LA NINA

La Nina là một mô hình khí hậu mô tả sự nguội đi của nước trên bề mặt đại dương dọc theo bờ biển phía tây nhiệt đới của Nam Mỹ. La Nina được coi là đối trọng của El Nino, đặc trưng bởi nhiệt độ nước biển ấm bất thường ở khu vực xích đạo của Thái Bình Dương.

La Nina và El Nino là các pha "lạnh" (La Nina) và "ấm" (El Nino) của El Nino - Southern Oscillation - Dao động phương Nam (ENSO) - một loạt các hiện tượng liên quan đến thời tiết và đại dương. Bên cạnh nhiệt độ mặt nước biển ấm hoặc mát bất thường, ENSO còn được hình thành bởi sự thay đổi áp suất khí quyển.

Các sự kiện La Nina đôi khi theo sau các sự kiện El Nino, xảy ra với những khoảng thời gian không đều đặn trong khoảng từ hai đến bảy năm. Các tác động cục bộ đối với thời tiết do La Nina (có nghĩa "cô bé" trong tiếng Tây Ban Nha) thường trái ngược với những tác động liên quan đến El Nino (có nghĩa "cậu bé" trong tiếng Tây Ban Nha).

Các nhà khoa học sử dụng Chỉ số Nino Đại dương (Oceanic Nino Index - ONI) để đo lường những sai lệch nhiệt độ của bề mặt nước biển do El Nino và La Nina tạo ra ở phía đông trung tâm Thái Bình Dương. Các sự kiện La Nina được biểu thị bằng nhiệt độ mặt nước biển giảm hơn 0,5° C (0,9° F) trong ít nhất năm lần ba tháng liên tiếp.

La Nina được gây ra bởi sự tích tụ của các vùng nước lạnh hơn bình thường ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương, khu vực Thái Bình Dương giữa chí tuyến Bắc và chí tuyến Nam. Gió mậu dịch di chuyển bất thường về phía đông và các dòng hải lưu mạnh bất thường mang khối nước lạnh này lên bề mặt, một quá trình được gọi là nước trồi. Nước trồi có thể gây ra sự sụt giảm mạnh nhiệt độ bề mặt nước biển.

Ảnh hưởng của La Nina

Cả El Nino và La Nina đều ảnh hưởng đến lượng mưa, áp suất khí quyển và hoàn lưu khí quyển toàn cầu. Hoàn lưu khí quyển là sự chuyển động quy mô lớn của không khí, cùng với các dòng hải lưu, phân phối năng lượng nhiệt trên bề mặt Trái đất. Những thay đổi này là nguồn gốc chính của sự biến đổi khí hậu đối với nhiều khu vực trên toàn thế giới.

La Nina được hình thành bởi áp suất không khí thấp hơn bình thường ở phía tây Thái Bình Dương. Những đới áp thấp này góp phần làm tăng lượng mưa. Lượng mưa liên quan đến gió mùa mùa hè ở Đông Nam Á có xu hướng lớn hơn bình thường, đặc biệt là ở tây bắc Ấn Độ và Bangladesh. Điều này nhìn chung có lợi cho nền kinh tế Ấn Độ, vốn phụ thuộc vào gió mùa cho nông nghiệp và công nghiệp. Tuy nhiên, các sự kiện La Nina mạnh có liên quan đến lũ lụt thảm khốc ở miền bắc Australia. Sự kiện La Nina 2010 tương quan với một trong những trận lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử của Queensland, Úc. Hơn 10.000 người buộc phải sơ tán và thiệt hại từ thảm họa ước tính hơn hai tỷ đô la.

Các sự kiện La Nina cũng liên quan đến điều kiện mưa nhiều hơn bình thường ở đông nam châu Phi và bắc Brazil. La Nina cũng được hình thành bởi áp suất cao hơn bình thường ở trung tâm và phía đông Thái Bình Dương, điều này dẫn đến giảm lượng mây và lượng mưa ở khu vực đó. Các điều kiện khô hơn bình thường được quan sát thấy dọc theo bờ biển phía tây của vùng nhiệt đới Nam Mỹ, Bờ Vịnh của Hoa Kỳ và vùng đầm lầy ở miền nam Nam Mỹ.

La Nina thường có tác động tích cực đến ngành đánh bắt cá ở miền tây Nam Mỹ. Nước trồi mang nước lạnh, giàu chất dinh dưỡng lên bề mặt. Các chất dinh dưỡng bao gồm các sinh vật phù du là thức ăn cho cá và động vật giáp xác.

Các sự kiện La Nina có thể kéo dài từ một đến ba năm, không giống như El Nino, thường kéo dài không quá một năm. Cả hai hiện tượng đều có xu hướng đạt cực đại trong mùa đông ở Bắc Bán cầu.

Theo dõi La Nina

Các nhà khoa học thu thập dữ liệu về El Nino và La Nina bằng một số công nghệ. Ví dụ, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) vận hành một mạng lưới phao đo nhiệt độ bề mặt biển, nhiệt độ không khí, dòng hải lưu, gió và độ ẩm. Các phao được đặt ở khoảng 70 địa điểm, từ quần đảo Galapagos đến Australia. Những chiếc phao này truyền dữ liệu cho các nhà nghiên cứu và nhà khí tượng học mỗi ngày.

Sử dụng dữ liệu phao kết hợp với thông tin trực quan mà họ nhận được từ vệ tinh, các nhà khoa học có thể dự đoán chính xác hơn và trực quan hóa sự phát triển cũng như tác động của ENSO trên phạm vi toàn cầu.

(Nguồn: National Geographic)