
THỰC TRẠNG
Việt Nam hiện có 14,6 triệu ha đất rừng vào năm 2019 với độ che phủ ước đạt gần 42%. Nhưng rừng của Việt Nam đa phần là rừng tự nhiên thứ sinh nghèo, chiếm tới 60% tổng diện tích rừng cả nước. Những khu rừng nguyên sinh còn nguyên chỉ có 0,25%.
Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các hiện tượng thiên tai, bão lũ. Các hiện tượng thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán, ngập mặn,... ngày càng nghiêm trọng do tình trạng rừng bị tàn phá.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), chỉ hơn 5 năm (2012-2017), diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng giảm; còn lại là do phá rừng trái pháp luật làm mất 11%.
Từ năm 2002 đến năm 2022, Việt Nam đã mất 740 nghìn ha rừng nguyên sinh, chiếm 22% tổng số diện tích rừng bị mất trong cùng khoảng thời gian. Tổng diện tích rừng nguyên sinh ở Việt Nam đã giảm 11% trong khoảng thời gian này.
Năm 2022, Việt Nam đã mất 120 nghìn ha rừng tự nhiên, tương đương với 66,6 triệu tấn khí CO₂ phát thải.
* Số liệu từ báo cáo của Bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Tổ chức Lương thực & Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc.
TÁC ĐỘNG
Làm suy giảm đa dạng sinh học:
Rừng bị tàn phá làm suy giảm cả về số lượng và chất lượng của đa dạng sinh học.
Theo ước tính, Việt Nam đang mất đi 137 loài thực vật, động vật và côn trùng mỗi ngày do phá rừng nhiệt đới, con số này tương đương với 50.000 loài mỗi năm.
Cạn kiệt nguồn nước:
Rừng có vai trò rất quan trọng trong việc giữ nước, ngăn lũ. Theo thống kê năm 2016, tại Việt Nam, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm cho 475.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu tình trạng phá rừng vẫn diễn ra như hiện nay, thì sẽ có khoảng 2 tỷ người, chiếm 20% dân số thế giới sẽ bị thiếu nước trầm trọng vào năm 2050.
Gia tăng biến đổi khí hậu:
Sự tàn phá rừng làm mất cân bằng sinh thái và khả năng hấp thụ CO2, góp phần đẩy nhanh biến đổi khí hậu toàn cầu, cường độ & tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa bão, lũ lụt tăng lên.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có rủi ro thiên tai cao nhất thế giới. Trung bình hàng năm ở Việt Nam có khoảng 649 đợt thiên tai xảy ra như lũ lụt, hạn hán, sạt lở, xâm nhập mặn… Thực trạng này sẽ kéo theo chất lượng cuộc sống suy giảm, đói kém, bệnh tật khắp nơi.

DỰ ÁN
Dự án Vườn Rừng phối hợp cùng với các Khu bảo tồn thiên nhiên, Vườn quốc gia và Cơ quan lâm nghiệp nhà nước tái trồng rừng nhằm góp phần khôi phục lại những cánh rừng bị lấn chiếm, ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước & không khí, cải tạo đất, chống sa mạc hóa, suy thoái đất và bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính, giảm tác động thiên tai & điều hòa khí hậu.
Dự án đồng thời tăng cường năng lực và phát triển sinh kế cho cộng đồng, người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

PHÁT TRIỂN CÂY GIỐNG
Cây trồng là những loài cây gỗ quý bản địa như: gõ đỏ, sao đen, giáng hương, dầu rái, cẩm lai, thông ba lá... và các loài cây có quả dành cho động vật hoang dã.
Cây giống được nảy mầm từ hạt, được chăm sóc trong các vườn ươm của JOY, đảm bảo cây có thể phát triển tốt nhất với khí hậu địa phương.
Sau khi được chăm sóc tại vườn ươm, những cây đạt đến kích thước từ 80 cm, đường kính thân 8 mm, sẽ được triển khai trồng thực địa để đảm bảo tỉ lệ sống của cây.
TRIỂN KHAI & GIÁM SÁT
• Dự án được triển khai trực tiếp tại các khu rừng nghèo và rừng nghèo kiệt, đất rừng bị lấn chiếm đã được nhà nước thu hồi.
• Nhiều loại cây rừng được trồng xen kẽ, khoảng cách giữa mỗi cây là 4 mét, kích thước hố 40 x 40 cm.
• Cộng đồng người dân địa phương được hưởng lợi từ việc tham gia trồng cây và chăm sóc cây sau khi trồng, với sự tham gia phối hợp từ nhân sự của JOY, các cơ quan quản lý chuyên ngành về kiểm lâm và lâm nghiệp tại địa phương.
• Nhân sự của dự án kiểm tra thường xuyên những cây đã trồng để đảm bảo cây được chăm sóc đúng cách & báo cáo mức độ tăng trưởng của cây.
• Trong trường hợp cây chết, dự án sẽ truy tìm nguyên nhân và có phương án trồng thay thế.
• Các tổ chức / cá nhân tài trợ, tình nguyện viên và nhân sự địa phương trực tiếp trồng cây và cùng giám sát các hoạt động của dự án.
TÁC ĐỘNG CỦA DỰ ÁN
Khôi phục đa dạng sinh học
Bằng cách trồng lại các loài cây bản địa, dự án đóng góp vào việc bảo vệ môi trường sống của các loài động vật hoang dã và bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam. Đồng thời góp phần đảo ngược sự suy thoái của hệ sinh thái, đảm bảo sự cân bằng trong tự nhiên.
Bảo vệ nguồn nước
Dự án góp phần bảo vệ các nguồn nước quan trọng, ngăn ngừa giảm xói mòn và mất khả năng giữ nước trong đất. Điều này không chỉ đảm bảo nguồn nước sạch cho cộng đồng, mà còn giảm thiểu nguy cơ lũ lụt và hạn hán.
Chống xói mòn
Dự án góp phần ngăn ngừa xói mòn đất, giảm thiểu dòng chảy và duy trì độ phì nhiêu của đất, giúp việc thực hành nông nghiệp hiệu quả hơn và cải thiện sức khỏe của đất, hỗ trợ an ninh lương thực và sinh kế lâu dài cho cộng đồng địa phương.
Giảm tác động của biến đổi khí hậu
Việc gia tăng diện tích rừng thông qua dự án giúp hấp thụ khí thải carbon, góp phần vào các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Hơn nữa, việc bảo tồn rừng giúp ngăn chặn sự phát tán carbon đã được lưu trữ trong cây cối và đất.
Phát triển cộng đồng
Dự án với sự tham gia của cộng đồng địa phương trong các hoạt động trồng, bảo vệ và chăm sóc cây sẽ giúp người dân có thêm nguồn thu nhập. Bằng cách tham gia vào quá trình phục hồi, cộng đồng sẽ có thêm trách nhiệm với tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống.
ĐỊA ĐIỂM TRỒNG RỪNG
VƯỜN QUỐC GIA BIDOUP - NÚI BÀ
Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà thuộc tỉnh Lâm Đồng, là 1 trong 28 vườn quốc gia nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng Việt Nam. Với diện tích hơn 70.000 ha, nơi đây là 1 trong 221 trung tâm chim đặc hữu của thế giới và là 1 trong 4 trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam với 2.077 loài thực vật, trong đó: 62 loài quý hiếm nằm trong cấp đánh giá về mức độ quý hiếm của Sách đỏ Việt Nam. Về động vật, đây là nơi sinh sống của 441 loài động vật có xương sống, 32 loài được liệt kê trong Sách đỏ IUCN.
Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà có vai trò quan trọng góp phần phòng hộ đầu nguồn nước cho hệ thống sông Đồng Nai và các hồ chứa nước ở hạ lưu nhằm phục vụ các hoạt động kinh tế, xã hội của tỉnh Lâm Đồng, vùng Nam Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và duyên hải cực Nam Trung Bộ.
VƯỜN QUỐC GIA TÀ ĐÙNG
Vườn quốc gia Tà Đùng nằm trong tỉnh Đắk Nông, là nơi có đặc trưng bởi kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp, đây là các mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng nguyên sinh hiếm có của vùng cao nguyên, có giá trị đa dạng sinh học cao với 1.406 loài thực vật bậc cao trong đó có 89 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. Hệ động vật có 574 loài, trong đó có 37 loài thuộc diện quý hiếm cần bảo vệ, 34 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam.
Vườn quốc gia Tà Đùng được xác định là địa điểm bảo tồn quan trọng thuộc khu vực bảo tồn cảnh quan lưu vực sông Đồng Nai, khu vực bảo tồn cảnh quan Nam Trường Sơn và là một phần của khu vực chim đặc hữu cao nguyên Đà Lạt – 1 trong 4 vùng chim đặc hữu của Việt Nam và 1 trong 222 vùng chim đặc hữu trên toàn thế giới.
KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN NÚI ÔNG
Với tổng diện tích trên 24.300 ha tại tỉnh Bình Thuận, Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông có thảm thực vật rộng lớn, tỷ lệ độ che phủ rừng của khu bảo tồn chiếm tới 93%, là một trong những khu vực ưu tiên trong chương trình bảo tồn dãy Trường Sơn với nhiều kiểu thảm thực vật quan trọng như rừng nhiệt đới thường xanh trên đất thấp, rừng nhiệt đới nguyên sinh rụng lá trên đất thấp, rừng lùn trên núi cao với sự đa dạng sinh học rất lớn.
Thực vật Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông có đến 763 loài thực vật bậc cao; trong đó, có 55 loài thực vật bị đe dọa ở cấp quốc gia và/hoặc quốc tế. Động vật có 184 loài, với 19 loài được xếp loại rất nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và một số loài được ưu tiên bảo tồn cao, được thế giới đặc biệt quan tâm.
KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN BÌNH CHÂU - PHƯỚC BỬU
Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với diện tích tự nhiên hơn 10.537 ha, là khu rừng nguyên sinh ven biển duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn của Việt Nam. Khu vực này cũng thuộc Tiểu vùng sinh thái Rừng cây họ Dầu trên đất thấp ven biển phía Nam thuộc Vùng Sinh thái Nam Trường Sơn, một trong 223 vùng sinh thái quan trọng được xác định bởi WWF.
Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu được xếp vào “Kiểu thực vật rừng kín, nửa rụng lá ẩm nhiệt đới”, đa dạng về thành phần thực vật, gồm 750 loài, trong đó có 732 loài đã được định danh, với nhiều loài quý hiếm và loài Dầu cát được coi là loài cây đặc hữu của Khu bảo tồn. Động vật có 205 loài có xương sống, một số loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Thế giới và Việt Nam.
RỪNG PHÒNG HỘ A LƯỚI
Rừng phòng hộ A Lưới có diện tích trên 23.508 ha thuộc huyện A Lưới, phía Tây của thành phố Huế, sát biên giới Lào, là địa bàn sinh sống lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số: Pa Kô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy trong các thung lũng dọc Trường Sơn.
Rừng phòng hộ A Lưới có vai trò điều tiết nguồn nước cho các dòng chảy, các hồ chứa để hạn chế lũ lụt, giảm xói mòn, bảo vệ đất, được xem là “lá phổi xanh” điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái cho các địa phương của tỉnh với nhiều loại gỗ quí như lim, gõ, sến,... Động vật rừng đa dạng và có một số loài thuộc nhóm động vật quý hiếm.
THỜI GIAN TRIỂN KHAI
Các hoạt động trồng rừng sẽ được triển khai từ giữa tháng 05 đến cuối tháng 08. Tuy nhiên, đây là khung thời gian dự kiến và có thể thay đổi tùy vào tình hình thời tiết và lượng mưa cần thiết để đảm bảo tỉ lệ sống của cây ở mức cao nhất trong điều kiện cho phép.
CHI PHÍ TRỒNG 1 CÂY
35.000 VNĐ
GÓP CÂY
333 11 87 03 03 87 - JOY FOUNDATION
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội | MBBank
---
ĐẾN THỜI ĐIỂM NÀY
JOY ĐÃ TRỒNG

cây