TỪ NHỮNG KỶ LỤC KHÍ HẬU ĐẾN TƯƠNG LAI NHÂN LOẠI
Năm 2023 đã chứng kiến hàng loạt kỷ lục mới về thời tiết toàn cầu, thúc đẩy những cuộc tranh luận mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Xuyên suốt mùa hè năm 2023, những kỷ lục về nhiệt độ liên tiếp bị xô đổ ở khắp mọi nơi trên thế giới, từ Trung Quốc đến Âu, Mỹ. Từ tháng 6 - 10, tháng nào cũng là nóng nhất kể từ khi có thống kê. Dường như chưa đủ "nóng", đến tháng 11, Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh Châu Âu (EU) cho biết năm 2023 "gần như chắc chắn" là năm nóng nhất trên trái đất trong 125.000 năm qua.
Tác động của biến đổi khí hậu đã được nhìn thấy qua những đợt nắng nóng kéo dài và thường xuyên hơn, mưa bão và lũ lụt nặng nề hơn, hạn hán nghiêm trọng hơn cũng như cháy rừng dữ hội hơn trong năm 2023. Tất cả đã đặt ra câu hỏi đáng báo động: Phải chăng việc xả khí thải carbon không ngừng nghỉ của loài người cuối cùng đã đẩy khủng hoảng khí hậu sang một giai đoạn hủy diệt mới và diễn tiến nhanh hơn? Nhiều nhà khoa học khẳng định thế giới vẫn chưa vượt qua "điểm bùng phát" của quá trình biến đổi khí hậu, nhưng một số người lo ngại rằng địa cầu đang tiến gần đến điểm này hơn bao giờ hết.
"Tình trạng khẩn cấp"
Tần suất xuất hiện của những thuật ngữ như "tình trạng khẩn cấp về khí hậu" hay "khủng hoảng khí hậu và sinh thái" đã gia tăng đột biến trong những năm gần đây. Theo thống kê của cơ sở dữ liệu nghiên cứu Web of Science, nếu năm 2015 chỉ có 32 bài báo đề cập đến thuật ngữ "tình trạng khẩn cấp về khí hậu" thì con số đó đã tăng lên 862 vào năm 2022.
"Tình trạng khẩn cấp" đó đã được minh họa rõ nét trong năm 2023: bão Daniel gây tổn thất nhân mạng nhiều nhất ở châu Phi với số người chết ước tính từ 4.000 - 11.000; có 93 người chết liên quan vụ cháy rừng Maui (Hawaii) - vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất thế kỷ ở Mỹ; hạn hán ở vùng Amazon của Brazil khiến mực nước sông xuống mức thấp lịch sử.
Cuối tháng 10.2023, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change kết luận rằng "ngân sách carbon" của thế giới - tức lượng khí thải nhà kính vẫn có thể thải ra mà không làm nhiệt độ toàn cầu tăng hơn 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp - đã giảm đi 1/3. Với mức phát thải hiện tại, thế giới chỉ còn 6 năm nữa trước khi vượt qua giới hạn gia tăng nhiệt độ đó. Nhiệt độ gia tăng chủ yếu là do khí nhà kính thải vào khí quyển khi đốt nhiên liệu hóa thạch, cùng với đó, sự quay trở lại của hiện tượng El Nino cũng góp phần đẩy nền nhiệt.
(Nguồn: Tổng hợp)