MUỐI: MỐI ĐE DỌA KÉP TỪ NÓNG LÊN TOÀN CẦU VÀ XÂM NHẬP MẶN
Khi mực nước biển dâng cao và nền nhiệt độ toàn cầu tăng khiến nước bốc hơi nhanh hơn, các nhà khoa học cảnh báo nồng độ muối trong đất và nước ngọt đang gia tăng đáng kể, trở thành một trong những mối nguy lớn nhất của thời đại chúng ta. Không chỉ đe dọa sản xuất nông nghiệp, muối còn là một nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các đợt di cư vì khí hậu trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất Đông Nam Á đang đối mặt với mối nguy từ xâm nhập mặn. Trong mùa khô đầu năm 2025, ranh giới xâm nhập mặn đã tiến sâu vào đất liền hơn 64 km, vượt xa mọi kỷ lục trước đó. Các mô hình khí hậu cho thấy, vào năm 2050, nước biển dâng sẽ là nguyên nhân khiến nhiều khu vực không còn khả năng trồng lúa trước khi bị chìm dưới nước.
Từ lưu vực Mekong đến sông Hằng, từ Địa Trung Hải đến các sa mạc ở Mông Cổ, muối đang tích tụ âm thầm trong lòng đất, các hồ, con sông và nguồn nước ngầm - những nơi là nguồn sống cho hàng trăm triệu người.
Tại Bắc Mỹ, khoảng 1/3 các con sông đã trở nên mặn hơn trong vòng 25 năm qua. Hơn 2 triệu hecta đất nông nghiệp tại Úc đã bị hủy hoại. Các quốc gia Địa Trung Hải như Tây Ban Nha và Morocco, lượng mưa được dự báo sẽ giảm 25 - 30% vào năm 2080, đẩy nhanh tình trạng khô hạn và tích muối trong đất. Ngay cả tại Hoa Kỳ, việc sử dụng muối để làm tan băng vào mùa đông cũng đã gây thiệt hại hàng ngàn đô la cho mỗi tấn muối do ăn mòn cơ sở hạ tầng.
Nước uống nhiễm mặn được cho là gây ra đến 10.000 ca tử vong mỗi năm tại Bangladesh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe phụ nữ mang thai và người cao tuổi. Muối trong nước sông đã hòa tan chì từ các đường ống cũ, gây ra một trong những thảm họa nước sạch nghiêm trọng nhất nước Mỹ tại thành phố Flint.
Không giống như nước lũ hay bão, khi muối đã xâm nhập vào hệ sinh thái nước ngọt, nó gần như không thể loại bỏ. Nó có thể tồn tại hàng thập kỷ, thậm chí lâu hơn, tiếp tục phá vỡ chuỗi thức ăn, khiến động vật phù du biến mất, làm tảo nở hoa, và kéo theo cả sự sụp đổ của các hệ sinh thái từng rất giàu sức sống.
Tuy một số khu vực khô hạn từng thích nghi với nước mặn, nhưng biến đổi khí hậu đang phá vỡ thế cân bằng mong manh ấy. Các hồ, vùng đất ngập nước và dòng sông vốn mặn tự nhiên đang trở nên quá mặn, vượt qua sức chịu đựng của các loài sinh vật từng sống ở đó.
Khi biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng về cường độ và tần suất, muối sẽ không chỉ là một hậu quả mà sẽ trở thành nguyên nhân chính đẩy loài người vào những cuộc khủng hoảng lương thực, nước sạch, sức khỏe, và di cư hàng loạt trong thế kỷ này.
(Nguồn: Tổng hợp)