NẮNG NÓNG KỶ LỤC NĂM 2023

Sau 3 năm của kiểu thời tiết La Nina, các mô hình khí hậu nhận thấy, thế giới sẽ chứng kiến sự quay trở lại của El Nino vào cuối năm nay kết hợp với biến đổi khí hậu, có thể phá kỉ lục nhiệt độ trung bình mới trong năm 2023 hoặc năm 2024.

8 năm qua là 8 năm nóng nhất được ghi nhận trên thế giới - phản ánh xu hướng nóng lên trong dài hạn do phát thải khí nhà kính, theo Reuters.

Friederike Otto - Giảng viên cao cấp tại Viện Grantham của Đại học Hoàng gia London - cho hay, nhiệt độ do El Nino gây ra có thể làm trầm trọng thêm các tác động của biến đổi khí hậu mà các quốc gia đang trải qua - bao gồm các đợt nắng nóng nghiêm trọng, hạn hán và cháy rừng. “Nếu El Nino phát triển, năm 2023 sẽ còn nóng hơn năm 2016 - xét đến việc thế giới tiếp tục nóng lên khi con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch” - ông Otto nói.

Các nhà khoa học Copernicus của EU đã công bố báo cáo ngày 20/4/2023 đánh giá các điều kiện khí hậu cực đoan mà thế giới đã trải qua trong năm 2022 - năm nóng thứ 5 được ghi nhận. Nhiệt độ trung bình toàn cầu của thế giới hiện cao hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Mặc dù hầu hết các nhà phát thải lớn trên thế giới cam kết cuối cùng sẽ cắt giảm lượng khí thải ròng của họ xuống 0, lượng khí thải CO2 toàn cầu năm ngoái vẫn tiếp tục tăng.

VIỆT NAM VÀ NHIỀU QUỐC GIA CHÂU Á ĐANG PHẢI ĐỐI MẶT VỚI CÁC KỶ LỤC NẮNG NÓNG

Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á đang phải đối mặt với các kỷ lục nắng nóng hay "sóng nhiệt tháng 4 tồi tệ nhất trong lịch sử", nhất là khi El Nino còn chưa xuất hiện. Trong những ngày tháng 4/2023, Việt Nam đã ghi nhận một số điểm nóng tới 41, 42 độ C như ở Sơn La, Nghệ An. Tại khu vực Tây Bắc Bộ và miền Trung đã xuất hiện 3 đợt nắng nóng diện rộng nhưng đã có tới 2 đợt ghi nhận những giá trị vượt mức kỷ lục so với cùng kỳ các năm trước.

Trong đợt nắng nóng đầu tiên, ngày 22/3/2023, tổng cộng có tới 18 trạm khí tượng ở miền Bắc, miền Trung ghi nhận mức nhiệt cao nhất từ trước đến nay trong cùng thời kỳ tháng 3, tập trung ở Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... Tại Kim Bôi, Hòa Bình, mức nhiệt 41,4 độ C ghi nhận cùng ngày cao hơn kỷ lục cũ thiết lập năm 1996 tới 3,3 độ. Đây là mức nhiệt cao nhất từng ghi nhận tại nước ta vào tháng 3 trong lịch sử quan trắc khí tượng.

Tại Đông Nam Á, Lào là quốc gia mới nhất lập kỷ lục về nhiệt độ khi thành phố Luang Prabang ghi nhận mức nhiệt 42,7 độ C vào ngày 18/4/2023, vượt qua kỷ lục cũ là 42,3 độ C vào tháng 4/2016.

Nhiều nơi ở Thái Lan, nhiệt độ cũng đã sớm phá kỷ lục. Cuối tuần qua, tại thị trấn Tak đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất 45,4 độ C - lần đầu tiên trong lịch sử Thái Lan có mức nhiệt độ này. Trong ngày 17/4/2023 ở Myanmar nhiệt độ tháng 4 cũng lập kỷ lục khi thị trấn Kalewa chạm mức 44 độ C.

Trời nóng như thiêu đốt cũng lan rộng khắp Trung Quốc. Ngày 18/4/2023, hơn 100 trạm thời tiết ở 12 tỉnh đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ tháng 4.

Tại Ấn Độ, 48 trạm thời tiết đã ghi nhận mức nhiệt trên 42 độ C hôm 18/4/2023, với mức nhiệt cao nhất 44,2 độ C ở bang Odisha, phía đông Ấn Độ. Ít nhất hai bang Tripura ở phía Đông Bắc và Tây Bengal ở miền Đông Ấn Độ đã ra lệnh đóng cửa các trường học trong tháng 4/2023 do nhiệt độ tăng hơn 5 độ C so với bình thường. Tại Ishurdi của Bangladesh trong ngày 17/4/2023 nhiệt độ cũng tăng vọt lên 43 độ. Trước đó Thủ đô Dhaka cũng ghi nhận mức nhiệt rất cao 40,5 độ C - đây là mức nhiệt cao nhất trong vòng gần 60 năm qua.

NẮNG NÓNG TIẾP TỤC GIA TĂNG

Với kịch bản phát thải cao, đến cuối thế kỷ, nhiệt độ trung bình mùa hè ở Việt Nam sẽ gia tăng trong khoảng từ 3.3-4.6 độ C. số ngày nắng nóng tức là ngày có nhiệt độ trên 35 độ C là sẽ tăng lên 75-90 ngày. Số ngày nắng nóng gay gắt trên 37 độ C cũng tăng trên nhiều vùng trên cả nước, đặc biệt là Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ.

Các chuyên gia khác cũng nhận định, biến đổi khí hậu sẽ khiến các đợt sóng nhiệt như tháng 4 năm nay sẽ trở nên phổ biến hơn. Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia tại Đại học Harvard và Đại học Washington đăng trên tạp chí Communications Earth and Environment năm 2022, các đợt sóng nhiệt nguy hiểm sẽ xuất hiện thường xuyên hơn gấp 3 - 10 lần vào năm 2100.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra, ở vùng nhiệt đới, bao gồm phần lớn châu Á, người dân có thể tiếp xúc với mức nhiệt nguy hiểm hầu hết các ngày trong năm. Những ngày có nhiệt độ ở mức cực kỳ nguy hiểm - chạm ngưỡng 51 độ C - có thể tăng gấp đôi, thách thức giới hạn về khả năng sinh tồn của con người.

(Nguồn: Tổng hợp)