THẾ GIỚI THIẾT LẬP MỐC NHIỆT CAO MỚI

Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố báo cáo cho thấy, các đại dương trên toàn cầu tiếp tục thiết lập các mốc nhiệt độ cao mới. Theo các nhà khoa học, để tránh nhiệt độ tiếp tục gia tăng, chúng ta cần hành động nhanh chóng để giảm lượng khí thải CO2.

Kỷ lục mới về đợt nóng toàn cầu Báo cáo của Copernicus chỉ rõ, kỷ lục mới nhất về đợt nóng toàn cầu do biến đổi khí hậu bao gồm nhiệt độ bề mặt nước biển, không chỉ nóng nhất trong tháng 2 mà còn vượt qua bất kỳ tháng kỷ lục nào, vượt mốc so với tháng 8/2023. Theo Copernicus, nhiệt độ trung bình trong tháng 2 vừa qua là 13,54oC, ấm hơn 1,77oC so với cuối thế kỷ 19. Tháng 2 năm nay cũng như 2 tháng mùa đông trước đó, vượt xa mức quy định quốc tế về sự nóng lên trong thời gian dài.

Theo Thỏa thuận Paris năm 2015, thế giới đặt mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu bằng hoặc dưới 1,5oC. Số liệu của Copernicus là số liệu hàng tháng và không hoàn toàn giống hệ thống đo lường cho ngưỡng nhiệt theo Thỏa thuận Paris, vốn được tính trung bình trong 2 hoặc 3 thập kỷ. Tuy nhiên, dữ liệu của Copernicus cho thấy, kể từ tháng 7/2023 trở đi, mức nhiệt gia tăng đã vượt quá 1,5oC. Các nhà khoa học nhấn mạnh, phần lớn lượng nhiệt kỷ lục là do con người gây ra: phát thải carbon dioxide và khí mê-tan từ việc đốt than, dầu và khí tự nhiên. Nhiệt bổ sung đến từ hiện tượng El Nino tự nhiên, sự nóng lên của vùng trung tâm Thái Bình Dương làm thay đổi các kiểu thời tiết toàn cầu.

Theo bà Jennifer Francis - nhà khoa học khí hậu của Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell, Bắc Cực là nơi diễn ra "điểm nóng" - nơi tốc độ nóng lên nhanh hơn nhiều so với toàn cầu, dẫn theo hàng loạt tác động lâu dài và sâu rộng đến nghề cá, hệ sinh thái, băng tan và các mô hình dòng hải lưu bị thay đổi. Ngoài ra, nhiệt độ bất thường ở những khu vực đại dương khác là do nó bị giữ lại bởi khí nhà kính tích tụ trong nhiều thập kỷ.

Trong khi đó, bà Francesca Guglielmo - nhà khoa học khí hậu cấp cao của Copernicus cho biết, nhiệt độ đại dương cao kỷ lục bên ngoài Thái Bình Dương - nơi El Nino tập trung cho thấy điều này còn hơn cả hiệu ứng tự nhiên.

Bà Natalie Mahowald - nhà khoa học khí hậu tại Đại học Cornell (Mỹ) cho rằng nhiệt độ cao bất thường là điều rất đáng lo ngại. Theo bà, chúng ta cần hành động nhanh chóng để giảm lượng khí thải CO2, từ đó tránh nhiệt độ gia tăng.

(Nguồn: New York Times)