CHÚNG TA KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI TAN VỠ KHÍ HẬU NẾU KHÔNG GIẢM TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG

Nhà kinh tế Herman Daly, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế sinh thái, người trong nhiều thập kỷ đã đi đầu trong cuộc đấu tranh chuyển hướng kinh tế học theo hướng bền vững môi trường, cho rằng hệ thống kinh tế hiện tại là trung tâm của cuộc khủng hoảng tan vỡ khí hậu. 

Nền kinh tế ngày nay tác động đến môi trường của chúng ta tương tự như cách một bàn chân cỡ số 12 tác động đến một chiếc giày cỡ số 10 - nó làm chiếc giày bị giãn ra trong khi siết chặt bàn chân một cách đau đớn. Thuật ngữ kinh tế-sinh thái gọi hiện tượng này là “vượt quá giới hạn”, bao gồm việc chiếm dụng quá nhiều diện tích đất đai đáng lẽ phải được dành để hỗ trợ nắm giữ dòng năng lượng mặt trời hiện tại bằng quá trình quang hợp, và sự sụt giảm quá mức của nhiên liệu hóa thạch (là dự trữ năng lượng mặt trời từ những mùa hè thời Đồ Đá Cũ), cũng như các mỏ khoáng sản khác. Chính nhờ những nguồn tài nguyên này mà sức lao động chân tay của con người được chuyển hóa thành trải nghiệm tinh thần tận hưởng cuộc sống, và cuối cùng là rác thải vật chất. 

Tốc độ chuyển hóa trở thành quá mức nếu vượt quá tốc độ tái tạo của các nguồn tài nguyên, vượt quá khả năng hấp thụ chất thải của môi trường, hoặc vượt quá tốc độ cải tiến công nghệ tiết kiệm tài nguyên. 

Hiện nay, tốc độ chuyển hóa quá mức tài nguyên thành chất thải của chúng ta, còn được gọi là “xuất lượng trao đổi chất”, bị thúc đẩy bởi quy mô dân số quá đông nhân với quy mô tiêu thụ tài nguyên bình quân đầu người quá mức, trong một sinh quyển hữu hạn mà chúng ta đang sống. 

Mặc dù là dấu hiệu chính, biến đổi khí hậu chỉ là một triệu chứng của tình trạng vượt giới hạn này mà thôi. Các triệu chứng khác của tình trạng vượt quá giới hạn bao gồm suy giảm đa dạng sinh học, phá vỡ sinh quyển do các chất mới phát sinh (chì tetraethyl, chất gây rối loạn nội tiết tố, chất phóng xạ…) mà sinh quyển này chưa từng trải qua trong quá trình tiến hóa, cộng với sự gia tăng bất bình đẳng và nghèo đói, đôi khi dẫn đến bạo lực. 

Sự bền vững

Bởi vì nhiên liệu hóa thạch tích tụ rất nhiều năng lượng dưới dạng nhỏ gọn và tiện lợi so với các nguồn khác. Ngoài ra, nhiên liệu hóa thạch được thu thập từ dưới lòng đất, và không giống như các nguồn năng lượng khác như gỗ hoặc thức ăn gia súc cho động vật chuyên tạo ra sức kéo, chúng không cạnh tranh với diện tích bề mặt đất nông nghiệp chuyên để gieo trồng lương thực cho con người. Với trữ lượng nhiên liệu hóa thạch khổng lồ, chúng ta đã có thể sống nhờ vào “vốn” tích lũy từ quá khứ trong nhiều năm, thay vì từ “nguồn thu nhập” năng lượng mặt trời hiện tại. Điều kiện này cho phép nền kinh tế của con người tăng trưởng ở quy mô dư thừa. Tình trạng vượt quá giới hạn - overshoot này hiện đang buộc phải chấm dứt vì chi phí kết hợp từ tài nguyên cạn kiệt và nạn ô nhiễm mà chúng ta từng bỏ qua lúc thế giới còn trống rỗng, trước khi bị lấp đầy bởi hàng hóa, “các thói quen tệ hại” và con người. 

Chúng ta đã có thể và nên chuyển đổi sang các nguồn tài nguyên tái tạo, nhưng điều đó sẽ đòi hỏi phải giảm quy mô nền kinh tế của con người xuống một cấp độ nhỏ hơn để có thể được duy trì ít nhiều ở trạng thái ổn định. 

Các nguồn tài nguyên tái tạo được sẽ trở thành không thể tái tạo nếu bị khai thác vượt quá năng suất bền vững. Các giá trị của chủ nghĩa tăng trưởng sẽ phải được thay thế bằng nền đạo đức về sự vừa đủ, khả năng biết chia sẻ, và xu hướng phát triển về chất lượng hơn là tăng trưởng về số lượng. 

Việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo nên được khuyến khích, nhưng có rất nhiều sự lạc quan vô căn cứ rằng năng lượng tái tạo sẽ đủ rẻ và dồi dào để thay thế nhiên liệu hóa thạch mà không làm giảm quy mô nền kinh tế, hoặc thậm chí là tốc độ tăng trưởng của nó. Thực ra, điều quan trọng nhất chính là phải giảm quy mô của con người. 

Ngoài ra, chúng ta có thể và nên tăng hiệu quả phân bổ bằng cách nội hóa các chi phí bên ngoài, và cải thiện tính công bằng trong phân phối bằng cách tái phân phối. Nhưng trừ khi giảm được quy mô nền kinh tế vĩ mô xuống mức bền vững, chúng ta sẽ chỉ khiến tình hình ngày càng tồi tệ hơn, vì bản thân sự tăng trưởng đã trở nên phi kinh tế rồi. 

Quy mô của nền kinh tế là kết quả tích số của số dân nhân với mức tiêu thụ tài nguyên bình quân đầu người. Rất nhiều lập luận tư tưởng bị lãng phí khi tranh cãi về chuyện kiểu như, liệu dân số gia tăng hay mức tiêu dùng bình quân đầu người tăng là nguyên nhân dẫn đến một quy mô quá dư thừa hay không. Điều đó cũng giống như việc tranh luận xem chiều dài hay chiều rộng quyết định nhiều nhất đến diện tích của hình chữ nhật. 

Bây giờ thế giới đã tràn ngập, và sự phát triển hơn nữa của nền kinh tế kiểu này trong một sinh quyển hữu hạn sẽ làm tăng chi phí cận biên của các dịch vụ ưu tiên cho hỗ trợ sự sống, trong chiều kích chỉ để đáp ứng những lợi ích cận biên đang giảm dần của thói tiêu dùng tầm thường - cái người ta phải quảng cáo tiếp thị rầm rộ để đạt được doanh thu. 

Sự tăng trưởng ở các quốc gia giàu hiện nay tiêu tốn chi phí nhiều hơn giá trị thực của nó, và điều đó không mang tính kinh tế, ngay cả khi tăng trưởng ở các nước nghèo vẫn mang tính kinh tế cho đến khi chạm đến cấp độ tương tự của tình trạng dư thừa. Người nghèo không thể đạt đến điều kiện đầy đủ trừ khi người giàu tạo thêm không gian sinh thái cho họ. 

Chúng ta cần những chính sách tốt dựa trên hiểu biết đúng đắn về khoa học và đạo đức, nhưng điều đó chưa đủ. Hoạt động xã hội nhiệt tình ủng hộ các chính sách cũng là điều cần thiết, nhưng chưa đủ. 

Chúng ta cần cả hai yếu tố - cả lý trí và tinh thần, cả sự hiểu biết trí tuệ và cảm hứng đạo đức - nếu chúng ta muốn duy trì một cách công bằng thế giới kỳ diệu mà chúng ta đã được thừa hưởng, là thế giới hiện đang bị đe dọa tự hủy diệt rất nghiêm trọng. 

(Bài viết này đã được chỉnh sửa nhẹ để làm rõ thêm ý.)

(Nguồn: TruthOut)